Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kỳ 2 Vụ_án_Trịnh_Vĩnh_Bình

Do chính phủ Việt Nam không trả lại tài sản theo như lời hứa nên ông Bình quyết định lại tiếp tục kiện. [12] Tháng 4 năm 2014. Ông Trịnh Vĩnh Bình mướn văn phòng luật sư King & Spalding LLP, một văn phòng luật sư lớn tại Hoa Kỳ, kiện Việt Nam ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Ngày 21 tháng 8 năm 2017, tòa án quốc tế xem xét vụ án này tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam bồi thường vì:[13]

  • Vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp thương đầu tư song phương giữa Hà Lan – Việt Nam (BIT)
  • Vi phạm Nhân quyền: nhốt người oan sai.

Nguyên nhân

Ông Bình nêu lý do: “Có một điểm nhất quán giữa hai vụ kiện là: tôi kiện chính phủ Việt Nam lần thứ nhất là vì lý do đòi bồi thường tài sản, trong đó có vấn đề bồi thường nhân thân: nhốt tôi oan. Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. Tôi đọc trong một hồ sơ tôi thấy có những điểm rất là tệ. Khi họ đến công ty tôi thì họ ập vào phòng riêng của tôi. Trong đó có mấy cái két sắt, trong đó tôi giữ những đồ cổ do tàu Âu châu chở đồ sành sứ của Trung Quốc bị chìm ở hòn Cao, đồ sành sứ do tàu chìm, trong đó họ lấy đi 394 món của tôi. Bên Bộ Tư Pháp Việt Nam nói: phần này có thể trả lại cho ông Trịnh Vĩnh Bình nhưng với điều kiện ông phải chứng minh đây là tài sản hợp pháp.” Trước đòi hỏi này, ông Bình bày tỏ: “Tôi không biết họ có còn nhân tính hay không nữa? Trước khi anh vào nhà tôi, anh muốn lấy một cái chén, một cái ly, một món đồ nào đó thì anh phải chứng minh đó là món đồ phạm pháp, đồ ăn cắp. Còn một khi anh đã lấy đi rồi anh bắt tôi chứng minh là đồ hợp pháp? Đồ trong nhà tôi là đồ hợp pháp. Chứng minh đó là đồ phạm pháp để lấy đi là trách nhiệm của quý anh. Muốn lấy đồ của người khác đi thì cơ quan công quyền phải chứng minh đó là đồ phạm pháp. Tôi không có trách nhiệm phải chứng minh đó là hợp pháp. Quý vị đã thấy lòng tham lam của quan chức Việt Nam như thế nào. Sự vô nhân tính của họ như vậy. Nói đến đây tôi rất là bức xúc. Từ một chuyện nhỏ quý vị suy ra chuyện lớn, họ chiếm đất đai, nhà cửa. Từ đây tôi là một mốc xích để tôi cảm thấy là phải kiện chính phủ Việt Nam lần thứ 2!” [13]

Bình luận

Trước khi phiên tòa ở Paris bắt đầu, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói với VOA rằng ông và nhiều quan chức khác của chính phủ Việt Nam đã tìm cách “dàn xếp êm thấm vụ việc” để không ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước Việt Nam-Hà Lan nhưng không thành công vì sự mâu thuẫn trong nội bộ của chính phủ về lợi ích cũng như chi phối của lực lượng an ninh. Cũng theo ông Cầm, sở dĩ chính phủ Việt Nam bội ước thỏa thuận ngoài tòa của vụ kiện trước vì “việc trả lại các tài sản cho nguyên đơn đã không thực hiện được… do các tài sản bị tẩu tán, thay đổi chủ sở hữu.”[4]

Ngày 17 tháng 8 năm 2017, ông Nguyễn Vi Khải, Phó Viện trưởng Viện các vấn đề phát triển (VIDS), cựu thành viên trong Ban Cố vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời gian diễn ra đàm phán, thương lượng giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam lần thứ nhất (năm 2003 – 2006), nhận định: Đây là ví dụ của tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” lúc đó. Người ta xử án theo kiểu “bỏ túi” (tức là án Kangaroo). Các cấp trên có can thiệp vào thì cũng phải theo án lệ này. Trong khi đó các trọng tội làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản quốc gia thì đáng nhẽ phải hình sự hóa những vụ đó, thì lại hành chính hóa các tội phạm này, để cho các tội phạm này trốn ra nước ngoài dễ dàng bằng cách đi chữa bệnh, đi học… như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy. Cũng theo ông Khải thì Thủ tướng Phan Văn Khải đã có bút phê gửi Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương yêu cầu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình, nhưng “trên bảo dưới không nghe.”.[14][15]

Ngày 17 tháng 8 năm 2017, ông Đinh Hoàng Thắng - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Amsterdam kể lại: phản ứng của Chính phủ Hà Lan khi đó rất gay gắt, yêu cầu chính phủ Việt Nam phải xét xử lại, không được thực thi phán quyết bất lợi đối với ông Trịnh Vĩnh Bình, và phải thực thi đúng cam kết bảo hộ đầu tư song phương. Trên thực tế, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình khi đó ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan, tạo ra hệ luỵ “hữu hình và vô hình”.[15]

Diễn biến tòa án

Tòa xử vụ kiện tại trụ sở Tòa Trọng tài Quốc tế, tại 112, đường Kleber, Quận XIV, Paris.[4] Số tiền ông Bình đòi bồi thường tối thiểu lên đến 1.25 tỷ USD.[16]

Bộ Tư pháp Việt Nam cử một đoàn sang Paris để hầu tòa. Tính đến ngày 29/8/2017, báo chí nhà nước Việt Nam không đưa tin về vụ kiện này.[17]

Ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2017: tòa họp kín, nghe 2 bên trình bày.[4]

Phiên tòa kết thúc ngày 27 tháng 8. Theo thủ tục thông thường, Tòa án Quốc tế đôi khi phải mất đến vài tháng để nghị án và đưa ra phán quyết.[18]

Kết quả

Ngày 11 tháng 4 năm 2019, ông Trịnh Vĩnh Bình trả lời phỏng vấn của VOA cho biết, Tòa án Quốc tế đã gửi thông báo thắng kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Theo đó, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.[19]

Khi được liên hệ, Tòa Trọng tài Quốc tế từ chối cung cấp thông tin về vụ án và phán quyết của tòa.

Trả lời RFA sau phán quyết của tòa, ông Bình nói “Chính phủ Việt Nam cần phải cẩn thận. Không dễ gì tịch thu tài sản của người khác. Chắc chắn sẽ còn những vụ kiện khác nữa trong thời gian tới”.[20]

Chiều ngày 12 tháng 4 năm 2019, Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo cho hay ngày 10/4 Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ra phán quyết về vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam. Theo quy định tố tụng, các bên "có trách nhiệm giữ bí mật phán quyết". Bộ Tư pháp khẳng định một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa thông tin về kết quả phán quyết là "phản ánh không chính xác nội dung cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan, gây hiểu nhầm".[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_án_Trịnh_Vĩnh_Bình http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41087774 http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-anh/ty-phu-la... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TrinhVinhBi... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/second-cour... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trinh-vinh-... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trinh-vinh-... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=447... http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Vi-pham-phap-l... http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200521/110... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120611/hau-vu-...